BHXH tỉnh Long An: chuyển đổi số mạnh mẽ, nâng tầm chất lượng phục vụ
18/10/2024 08:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, gọi tắt là Đề án 06. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong gần ba năm qua. Trong bối cảnh thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số, BHXH Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của Ngành. Đồng hành với thành công chung đó, BHXH tỉnh Long An cũng đã triển khai hiệu quả Đề án 06, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu – nền tảng quan trọng của chuyển đổi số
Liên tiếp trong những năm qua, BHXH tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các ngành liên quan. Trong đó, BHXH tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh, Công an tỉnh và Công an địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế… trong việc rà soát, cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công dân (ĐDCN/CCCD) của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vào cơ sở dữ liệu (CSDL) đang quản lý để đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh đã cập nhật, bổ sung số ĐDCN/CCCD, xác thực thông tin với CSDL quốc gia về dân cư cho 1.487.244 người tham gia BHXH, BHYT, đạt 98,73% tổng số người tham gia đang quản lý.
Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 2 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm), nâng cao tính chính xác của thông tin, dữ liệu. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
CCCD gắn chip và VNeID: Đột phá trong khám chữa bệnh BHYT
Lợi ích mang lại từ việc đồng bộ thông tin với CSDL quốc gia về dân cư trước hết có thể thấy trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT, người dân sử dụng CCCD gắn chip và ứng dụng VneID thay cho thẻ BHYT giấy. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp để các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc sử dụng quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ. Hiện nay, 100% cơ sở KCB BHYT tại tỉnh đã triển khai việc sử dụng CCCD gắn chip để tra cứu thông tin người bệnh, với hơn 1.997.206 lượt tra cứu thành công.
Sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan quản lý
Người dân cũng có thể sử dụng tài khoản định danh mức 2 trên ứng dụng VneID để thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công (DVC) trực tuyến; tra cứu các thông tin như: thẻ BHYT, sổ BHXH, sổ sức khỏe điện tử…; ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip tại cơ sở KCB BHYT và bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.
Ứng dụng VssID: Công cụ hỗ trợ đắc lực cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Không thể không nhắc đến ứng dụng VssID - một sản phẩm chủ lực của BHXH Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Sau hơn 3 năm triển khai, ứng dụng VssID ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích của mình trong việc cung cấp thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người dùng; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT... giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cũng như đảm bảo quyền lợi an sinh cho người tham gia. Tại tỉnh Long An, với sự nỗ lực triển khai ứng dụng bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với trường học, bưu điện, tổ chức Đoàn Thanh niên, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”; lồng ghép cài đặt tại các cuộc hội nghị truyền thông chính sách BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu cài đặt ứng dụng BHXH số - VssID cho BHXH huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ… Tính đến hết tháng 9/2024, đã có 732.329 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân trên VssID được phê duyệt, chiếm 48,62% số người tham gia bảo hiểm BHXH, BHYT, BHTN.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Hướng đến sự tiện lợi và minh bạch
Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam và của tỉnh, BHXH tỉnh đã nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh không dùng tiền mặt, trong đó có giao chỉ tiêu cho BHXH các huyện, thị xã và tăng cường tuyên truyền, phối hợp vận động bằng nhiều hình thức. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân khu vực đô thị đạt 73,03%; chi trả trợ cấp BHXH một lần đạt 98,19%; chi trả trợ cấp BHTN đạt 99,88%. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ mang lại sự tiện lợi, an toàn cho người thụ hưởng, mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ thất thoát, gian lận trong quản lý quỹ. Đây cũng là một bước tiến trong quá trình xây dựng nền tảng quản lý tài chính công minh bạch, hiện đại.
Dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ
Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện, gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. Người dân có thể sử dụng các dịch vụ công (DVC) trực tuyến về BHXH, BHYT, như: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình; đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; giải quyết hưởng BHXH một lần; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông… mọi lúc, mọi nơi và có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Doanh nghiệp thực hiện đăng ký tham gia, điều chỉnh tăng, giảm lương, quá trình, thông tin người tham gia…một cách nhanh chóng, chính xác thông qua giao dịch hồ sơ điện tử, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Cũng nhờ đó mà tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN được nâng cao rõ rệt…Hiện nay, tỷ lệ giao dịch hồ sơ điện tử trên địa bàn tỉnh đạt trên 92%. Riêng hai nhóm TTHC thiết yếu tại Đề án 06, đến hết tháng 8/2024, đã giải quyết và trả kết quả 20.757 hồ sơ liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 52 hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng phí liên thông trên Cổng DVC quốc gia.
Người dân, doanh nghiệp dễ dàng giao dịch với cơ quan BHXH qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn phối hợp, hỗ trợ liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tính đến 31/8/2024, có 23.316 giấy khám sức khỏe, 11.198 giấy chứng sinh và 491 giấy báo tử được cấp qua Cổng thông tin tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT của ngành BHXH Việt Nam.
Công tác tuyên truyền không ngừng được đẩy mạnh
BHXH tỉnh thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông về Đề án 06; thường xuyên phối hợp Báo Long An, Đài Phát thanh - Truyền hình Long An, Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường tuyên truyền những nội dung, chương trình hoạt động của ngành BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh trong thực hiện Chuyển đổi số quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân thực hiện các TTHC qua giao dịch điện tử; đặc biệt là việc sử dụng CCCD gắn chip, ứng dụng VssID-BHXH số, ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đăng tải, chia sẻ tin, bài trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh và Fanpage, Zalo BHXH tỉnh về Đề án 06, chuyển đổi số Ngành BHXH…
Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng lao động, người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH; nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Qua đó góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra.
Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần đơn giản hóa TTHC và nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, thường xuyên, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đảm bảo tất cả công dân đều được nắm bắt và hiểu rõ cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Kim Pha
BHXH, BHYT: Chính sách an toàn, tin cậy, thiết ...
Những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần
Thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động
10 sự kiện nổi bật năm 2021 của ngành Bảo hiểm xã ...
Theo bạn dịch vụ chế độ BHXH - BHYT của Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An là ?