BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ liên thông dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử

15/11/2024 09:39 AM


Tính đến ngày 5/11/2024, toàn quốc đã có 12.615 trên tổng số 12.722 cơ sở KCB BHYT đã liên thông dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại, đạt tỷ lệ 99,2%.

Tổ công tác Đề án 06 của BHXH Việt Nam vừa có báo cáo tình hình triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại gửi Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ các cơ sở KCB trong quá trình triển khai liên thông dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID.

Nhận thức rõ hiệu quả và lợi ích trong việc hỗ trợ liên thông dữ liệu này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong Ngành tích cực phối hợp xây dựng các phương án kỹ thuật, có các văn bản, cũng như tổ chức các buổi làm việc với Bộ Công an, Bộ Y tế để làm rõ các yêu cầu, thống nhất về cách thức triển khai, qua đó thực hiện nâng cấp, điều chỉnh các hệ thống phần mềm, bố trí hạ tầng kết nối.

Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật khi cơ sở KCB liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống Thông tin giám định BHYT và triển khai liên thông qua ứng dụng VNeID.

Kết quả, tính đến ngày 5/11/2024, toàn quốc đã có 12.615 trên tổng số 12.722 cơ sở KCB BHYT đã liên thông dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại, đạt tỷ lệ 99,2%. Toàn quốc đã có 115.804.561 lượt gửi dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại từ các cơ sở KCB BHYT lên Hệ thống của BHXH Việt Nam. Trong đó, đã có 20.893.308 lượt Hồ sơ khám sức khỏe, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại được tích hợp trên VNeID.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, có được những kết quả như trên, thứ nhất, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Công an triển khai xác thực hơn 99,2 triệu thông tin công dân trong CSDL quốc gia về bảo hiểm, trong đó có khoảng 89 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, chiếm 98,7% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Thứ hai, 100% cơ sở KCB BHYT (khoảng 13 nghìn cơ sở KCB) đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 135 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công để làm thủ tục KCB BHYT trên toàn quốc.

Thứ ba, hạ tầng CNTT của ngành BHXH Việt Nam được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung ương hiện đang kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, trung bình mỗi năm tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 174 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT. Đây là nền tảng cho việc hỗ trợ ngành Y tế triển khai thành công việc liên thông hơn 4,5 triệu Giấy khám sức khỏe lái xe, 1,8 triệu Giấy chứng sinh, 21 nghìn Giấy báo tử từ các cơ sở KCB trên toàn quốc kể từ tháng 3/2023.

Thứ tư, sự thống nhất và nhất quán trong hành động tuân thủ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở KCB liên thông dữ liệu đáp ứng đầy đủ các dữ liệu theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Việc tích cực triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tổ chức. Trong đó, người dân không còn phải lo bảo quản các hồ sơ KCB sau mỗi lần đi khám, không lo mất hay quên Giấy chuyển tuyến cho mỗi lần chuyển viện hay Giấy hẹn khám lại cho mỗi lần đi KCB.

Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho các bác sĩ đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, kết hợp với thăm khám hiện tại, bác sĩ có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí KCB của mỗi người dân.

Đối với các cơ sở KCB, Giấy chuyển tuyến và Giấy hẹn khám lại điện tử có ý nghĩa công khai và hạn chế hành vi gian lận hay giả mạo trong chuyển tuyến bệnh nhân, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người bệnh và cơ sở KCB.

Đối với Bộ Y tế và các Sở Y tế, việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Giúp ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Đối với ngành BHXH Việt Nam, việc liên thông dữ liệu sẽ hạn chế được việc lập hồ sơ KCB khống, kê thêm thuốc, dịch vụ kỹ thuật mà không thực hiện khi KCB cho người dân; tránh việc lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong triển khai nhiệm vụ như: Hạ tầng CNTT của BHXH Việt Nam đã được đầu tư từ năm 2015, hiện nay đang quá tải vì vừa phải thực hiện nhiệm vụ của Ngành, vừa thực hiện hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ tại Đề án 06 (hỗ trợ liên thông dữ liệu qua hạ tầng của BHXH Việt Nam).

Bên cạnh đó, hạ tầng CNTT của các cơ sở KCB, nhất là các trạm y tế còn chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin. Chưa triển khai ký số trên dữ liệu khi liên thông lên Hệ thống của BHXH Việt Nam, do vậy dữ liệu chưa được đảm bảo tính toàn vẹn theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.

Để việc phối hợp với các bộ, ngành hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế xây dựng các văn bản quy định để trang bị đầy đủ cơ sở pháp lý cho các dữ liệu liên thông thay thế các loại giấy tờ, chứng từ giấy hiện nay (Sổ khám bệnh, Giấy chuyển tuyến...). Chỉ đạo các cơ sở KCB ký số Sổ Sức khoẻ điện tử và Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại theo lộ trình đề nghị của BHXH Việt Nam.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sớm hoàn thành đề xuất phương án kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu Sổ Sức khoẻ điện tử và Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại theo đề xuất của BHXH Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở KCB (bao gồm cả các cơ sở không KCB BHYT) thực hiện việc liên thông dữ liệu để đảm bảo việc cập nhật dữ liệu cho Sổ Sức khỏe điện tử theo đúng phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”…

Tạp chí BHXH